Dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tác động đến thị trường văn phòng theo hai hướng chính: định nghĩa lại mục đích của văn phòng truyền thống và thay đổi cách các công ty chọn thuê văn phòng. Trong tương lai, khi dịch bệnh kết thúc, làm việc online có thể sẽ vẫn là lựa chọn của nhiều công ty.
Theo báo cáo mới nhất của JLL trong quý 1/2020, nguồn cung văn phòng tại TP.HCM và Hà Nội đạt tổng cộng hơn 4,3 triệu m2. Những tòa nhà mới hoàn thành đang có nhiều diện tích trống và có thể cần xem xét giá thuê và chiến lược cho thuê để hút khách hơn. Giá cho thuê văn phòng trung bình tại TP.HCM và Hà Nội lần lượt đạt 30 USD/m2/tháng và 17,9 USD/m2/tháng. Nhiều đơn vị cho thuê đã xem xét hoặc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho khách thuê dưới dạng miễn hoặc giảm tiền thuê, phí dịch vụ hoặc phụ phí trong thời gian thực hiện cách ly theo quy định của chính phủ trong tháng 04/2020.
Đáng chú ý, các biện pháp cách ly xã hội đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Từ 1/4, Việt Nam cũng đã thực hiện biện pháp cách ly nhằm phòng ngừa sự leo thang của các ca nhiễm. Ngoại trừ các ngành dịch vụ thiết yếu, hầu hết các công ty đã thực hiện quy định giãn cách xã hội. Mô hình làm việc tại nhà được áp dụng và trở nên phổ biến, số lượng người lao động làm việc tại nhà đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Làm việc từ xa trước đây phổ biến trong giới lao động tự do hoặc công nghệ thông tin. Thế nhưng dịch bệnh đã cho phép doanh nghiệp thử nghiệm mô hình làm việc này – vốn được thảo luận nhiều trước đây nhưng chưa được thực hiện hóa trên diện rộng.
Sau khi đại dịch được kiểm soát, bà Trang tin rằng mô hình làm việc từ xa sẽ vẫn tiếp tục diễn ra, mặc dù có nhiều thách thức, đặc biệt là ở các quốc gia mà đa phần dân số sống trong không gian nhà nhỏ và không thuận lợi để làm việc. Bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL cho biết, Covid-19 sẽ tác động đến thị trường văn phòng theo hai hướng chính: định nghĩa lại mục đích của văn phòng truyền thống và thay đổi cách các công ty chọn thuê văn phòng. Chúng ta vẫn đang tìm giải pháp để duy trì tính hiệu quả công việc như trước đây nhưng thước đo năng suất làm việc có thể sẽ không dựa vào việc nhân viên có mặt ở văn phòng hay không.
Trong chiến lược hậu Covid-19, việc doanh nghiệp cho phép nhân viên lựa chọn địa điểm tùy theo nhu cầu công việc có thể là một xu hướng. Trong tương lai, không gian văn phòng có thể dành cho các công việc cần có sự tương tác với đồng nghiệp, những công việc có thể làm một mình sẽ tiếp tục thực hiện từ xa. Do đó, những công ty theo đuổi xu hướng này cần chú trọng hơn đến kế hoạch kinh doanh liên tục và xây dụng mô hình làm việc từ xa tốt hơn.
Ngoài ra, với những công ty vẫn chọn mô hình làm việc tại văn phòng thì các chính sách mới về sức khỏe và vệ sinh sẽ được ưu tiên hàng đầu, chẳng hạn như việc nâng cao chất lượng không khí trong văn phòng, cung cấp các dung dịch vệ sinh cho bàn ghế, điện thoại, chuột và bàn phím. Khi làm việc từ xa trở nên phổ biến hơn nữa, công nghệ và các không gian linh hoạt sẽ là hạng mục đầu tư cố định của doanh nghiệp. Điều này cũng sẽ tác động đến nhu cầu của khách thuê lên chủ tòa nhà. Những tòa nhà chú trọng đầu tư vào hạng mục sức khỏe và không gian xanh cho người lao động sẽ chiếm ưu thế.
Nhìn xa hơn năm 2020, đại diện JLL dự đoán Covid-19 sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư phát triển mô hình làm việc từ xa và công nghệ tương tác trực tuyến. Dù chưa thể kết luận chắc chắn nhưng điều này có thể được coi là một mối đe dọa cho nhu cầu văn phòng truyền thống trong tương lai. Doanh nghiệp sẽ tập trung tối ưu hóa không gian văn phòng, từ đó nâng cao hiệu quả danh mục đầu tư. “Đã đến lúc suy nghĩ cho chiến lược đầu tư văn phòng sau khi đại dịch được kiểm soát”, bà Trang Bùi nhấn mạnh.
Nguồn: batdongsan.com