Ngôi nhà trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) là tài sản chung mà vợ chồng anh Minh – chị Hòa tạo lập được trong thời kỳ hôn nhân. Theo phán quyết của tòa khi ly hôn, chị Hòa là người nuôi con nên được tiếp tục sử dụng ngôi nhà, nhưng phải trả cho anh Minh một khoản tiền tương ứng 1/3 giá trị ngôi nhà đó. Hiện tại, chị Hòa là người đứng tên trên sổ đỏ và có ý định bán nhà để chuyển đến nơi khác, vậy chị Hòa có cần hỏi ý kiến chồng cũ trước khi chuyển nhượng nhà đất hay không?
Theo Điều 188 Luật Đất đai 2013, điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất được quy định như sau:
- Đất không có tranh chấp
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án
- Trong thời hạn sử dụng đất
- Đất có giấy chứng nhận quyền sở hữu (Sổ đỏ). Trừ 2 trường hợp ngoại lệ không có sổ đỏ vẫn được bán đất như sau:
Một là, người nhận thừa kế mà tài sản là quyền sử dụng đất nhưng là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất thì không được cấp Sổ đỏ nhưng được quyền bán đất được thừa kế cho người khác.
Hai là, trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được quyền bán đất sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất. Trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền bán khi có điều kiện để cấp sổ đỏ (chưa cần có sổ).
Với trường hợp của chị Hòa, ngôi nhà đã được chuyển quyền sở hữu sang tên nên là tài sản riêng của chị, ngoài ra cũng không vướng tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên. Mặt khác, theo Khoản 1 Điều 206 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái pháp luật”. Như vậy, sau khi ly hôn, chị Hòa hoàn toàn có quyền bán căn nhà đó mà không phải phụ thuộc vào ý kiến của chồng cũ.